Đề thi sẽ bám sát sách giáo khoa
Ông Nguyễn Hải Châu - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho rằng: giáo viên dạy môn thi chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo việc ôn tập phù hợp với điều kiện địa phương, với khả năng nhận thức của học sinh, cần tổ chức ôn tập nhiều vòng. Thứ nhất, cần ôn tập trong quá trình dạy, học, thực hiện chương trình, sách giáo khoa theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ. Thứ hai là ôn tập theo từng chủ đề: nội dung trong mỗi chủ đề có thể bao gồm kiến thức, kỹ năng của các bài, các chương khác nhau. Thứ ba là ôn tập tổng hợp kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12: nội dung tổng hợp của tất cả các chủ đề đã được ôn tập.
Ví dụ, đối với môn Toán, phần đại số và giải tích gồm 4 chủ đề: ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị của hàm số; Hàm số lũy thừa, hàm số mũ và hàm số lôgarit; nguyên hàm, tích phân và ứng dụng; số phức. Phần hình học gồm 3 chủ đề: khối đa diện và thể tích khối đa diện; mặt cầu, mặt trụ, mặt nón; phương pháp tọa độ trong không gian.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu: Việc ôn tập cho học sinh không chạy theo bài, nội dung trong sách giáo khoa một cách máy móc mà hướng dẫn học sinh tự học, năng lực vận dụng kiến thức của người học, năng lực phân tích, tổng hợp kiến thức, kỹ năng làm bài thi, tránh việc ghi nhớ kiến thức máy móc, tình trạng học tủ, học lệch.
“Học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp ôn tập kỹ nội dung chương trình lớp 12, theo yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng và những phần có tính liên thông, tiếp nối ở lớp 10, 11” - Ông Nguyễn Hải Châu, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT)
Ông Châu khẳng định: Việc chuẩn bị nội dung ôn tập phải phù hợp với phương pháp ôn tập, nghĩa là kết hợp hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập; ôn tập theo nhóm và ôn tập chung cả lớp; kết hợp giữa tự kiểm tra đánh giá của học sinh; kiểm tra, đánh giá trong nhóm học tập và kiểm tra đánh giá chung toàn lớp, toàn trường; chú trọng thu nhận thông tin phản hồi về kết quả ôn tập của học sinh để có điều chỉnh hợp lý. Phân loại học sinh theo khả năng nhận thức, tập trung nhiều hơn cho những học sinh học lực yếu; cử giáo viên có khả năng và kinh nghiệm chuyên môn, những học sinh khá giỏi hỗ trợ thêm, ngoài thời gian ôn tập theo kế hoạch ôn tập của các trường THPT, giúp những học sinh này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi.
Việc tổ chức làm một số đề thi thử theo cấu trúc đề thi đã được Bộ GD-ĐT thông báo giúp học sinh nắm vững hình thức thi và cách thức làm bài thi được các chuyên gia đánh giá là rất cần thiết. Để làm được điều này, theo ông Nguyễn Hải Châu, các trường phải thành lập đội ngũ những người làm đề thi cho từng môn học, tổ chức biên soạn, biên tập đề thi, xây dựng ngân hàng đề thi trong mỗi nhà trường để phục vụ việc ra đề kiểm tra 1 tiết, kiểm tra 15 phút, kiểm tra cuối kỳ hoặc tổ chức các đợt thi thử cho học sinh cuối cấp. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục biên soạn và cập nhật các bài tập kiểm tra làm nguồn tư liệu cho các trường trong việc kiểm tra đánh giá học sinh và giúp học sinh cuối cấp ôn tập chuẩn bị thi.
Đề thi sẽ “khớp” với hướng dẫn ôn tập
Đề thi được ra với hai phần: phần chung cho tất cả thí sinh (chiếm tỷ lệ khoảng 80%), phần riêng ra theo từng chương trình chuẩn và nâng cao (chiếm tỷ lệ khoảng 20%).
Trước những ý kiến của các nhà giáo (mà Thanh Niên đã phản ánh) bày tỏ lo ngại rằng chủ trương của Bộ GD-ĐT là hướng dẫn ôn tập theo chuẩn kiến thức, kỹ năng nhưng khâu ra đề lại “lệch” so với quy định này, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho hay: do việc dạy và học theo chuẩn kiến thức kỹ năng (không bắt buộc phải dạy hết sách giáo khoa) vẫn còn là hướng dẫn khá mới mẻ và trên thực tế không phải địa phương nào cũng đã thực hiện được đầy đủ quy định này. Do vậy, để tránh thiệt thòi cho thí sinh, tinh thần chỉ đạo của khâu ra đề là sẽ vừa bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng nhưng cũng phải đảm bảo nội dung đề thi không nằm ngoài sách giáo khoa hiện hành. Như vậy, dù ôn tập theo sách giáo khoa hay theo chuẩn kiến thức, kỹ năng thì học sinh đều có thể đáp ứng được yêu cầu của đề thi.
Trước những ý kiến tỏ ra lo ngại rằng, trên thực tế, đề thi không “chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12” như quy định, ông Nguyễn Hải Châu cho hay: học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp ôn tập kỹ nội dung chương trình lớp 12, theo yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng và những phần có tính liên thông, tiếp nối ở lớp 10, 11. Có nghĩa sẽ không phải rà soát toàn bộ chương trình lớp 10, 11 mà chỉ ôn tập những phần kiến thức có tính tiếp nối, trên cơ sở nội dung chương trình lớp 12.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa cũng khẳng định: với những môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là môn Toán, do đặc thù là môn học có tính liên thông rất cao nên khi nói đề thi chủ yếu chương trình lớp 12 không có nghĩa chỉ có những nội dung trong sách giáo khoa Toán lớp 12; nếu học sinh không nắm vững được kiến thức cơ bản ở lớp dưới thì cũng không thể làm được bài.